Trong bài viết này Cỏ sẽ chia sẻ về: 

 +) Các loại bình sữa ở Nhật Bản, mua loại nào, dung tích bao nhiêu? Hướng dẫn cách chọn mua bình sữa để chuẩn bị sinh con ở Nhật

 +) 3 mẫu bình sữa phổ biến ở Nhật

 +) Các cách tiệt trùng bình sữa, dụng cụ vệ sinh, dụng cụ tiệt trùng bình sữa ở Nhật.   

Chọn mua bình sữa ở Nhật – Chuẩn bị sinh con ở Nhật

Trong danh sách sắm đồ chuẩn bị sinh con, có một món đồ không thể thiếu đó chính là bình sữa cho bé. Dù cho bạn định nuôi con bằng sữa mẹ thì bình sữa là một dụng cụ thiết yếu. Bởi vì nhờ có bình sữa, bạn sẽ theo dõi được cũng như là kiểm soát được lượng bú của bé ở từng thời kỳ. 

Số lượng bình sữa cần chuẩn bị: ít nhất là 2 bình. 

Các loại bình sữa ở Nhật: có hai loại : bình thủy tinh và bình bằng nhựa. Cả hai loại đều có khả năng chịu nhiệt rất tốt và bền. Mỗi loại có ưu nhược điểm. 

Các nhãn hàng bình sữa ở Nhật: có nhiều hãng, nhưng có 03 hãng top đầu về bình sữa ở Nhật được mọi người ưa chuộng đó là 

  •   Pigeon,  nhãn hàng này đang chiếm lĩnh thị trường bình sữa ở Nhật, cũng được nhiều viện sản sử dụng bình của hãng này
  • Richell
  • Chuchu

Chúng ta mua bình sữa và có núm vú đi kèm, hoặc cũng có thể chỉ có bình sữa và núm vú mua riêng. Tuy nhiên, để cho ăn khớp núm với và bình sữa thì nên mua của cùng 1 hãng sẽ thuận tiện hơn. 

Núm vú thì tùy theo mấy tháng tuổi mà có kích cỡ núm vú riêng. Về núm vú, Cỏ sẽ nói chi tiết ở phần sau. 

Cách chọn mua bình sữa ở Nhật

Chọn chất liệu bình sữa thủy tinh hay là bình nhựa?

So sánh ưu nhược điểm của chất liệu bình sữa

Bình sữa thủy tinh: đây là chất liệu chịu nhiệt, tuy là thủy tinh nhưng không dễ vỡ như ta nghĩ. 

  • Ưu điểm: dễ vệ sinh, không dễ bị xước nhờ đó không lo lắng bụi bẩn sẽ bám vào các rãnh xước. Dễ dàng vệ sinh bằng nhiều cách: đun sôi, rửa bằng dung dịch tiệt trùng, tiệt trùng trong lò vi sóng, rửa trong máy rửa chén, nhanh khô, bình cũng nhanh hạ nhiệt.  
  • Nhược điểm: hơi nặng hơn so với bình nhựa. Với trẻ sơ sinh thì phần lớn bố mẹ sẽ cầm bình cho con lúc con bú, trẻ lớn hơn rồi có thể tự cầm, nhưng nó hơi nặng chút so với bình bằng nhựa. Tuy bình thủy tinh không dễ vỡ, nhưng nó cũng có nguy cơ bị vỡ chứ không phải là không. Vì vậy không thích hợp mang bình đi ra ngoài. Do đó, bình thủy tinh được sử dụng trong nhà là chính yếu. 

Bình sữa bằng nhựa: là loại nhựa đặc biệt, chịu nhiệt độ cao tốt. 

  • Ưu điểm: có trọng lượng nhẹ, vì vậy thường được chọn để mang đi ra ngoài 
  • Nhược điểm: dễ bị xước vì là chất liệu nhựa, cũng dễ ố vàng sau thời gian sử dụng. 

Kết luận:  hầu hết các bà mẹ Nhật đều cùng ý kiến là : sử dụng bình thủy tinh trong nhà, khi đi ra ngoài họ dùng bình nhựa để tránh rơi vỡ và trọng lượng nhẹ tiện mang đi hơn bình thủy tinh. Vì vậy, thiết nghĩ , chúng ta nên chuẩn bị cả hai loại: bình thủy tinh và cả bình nhựa, tùy thời điểm mà mình sẽ có bình sẵn để dùng ngay. 

Nói về bình sữa hãng nào? Cỏ thì từ đầu,  Cỏ chấm ngay và luôn hãng Pigeon mà không suy nghĩ nhiều, dù giá của nó có nhỉnh hơn 2 hãng còn lại một chút. 

     Vì lý do: Pigeon hầu như chiếm lĩnh thị trường bình sữa ở Nhật thì hiển nhiên nó có lý do gì đó mới đạt được thành tích như thế. Top đầu thì về chất lượng, độ bền này nọ thì an tâm rồi, không cần băn khoăn nhiều. Đồng thời, thấy nhiều viện sản cũng dùng bình sữa của Pigeon nên Cỏ bắt chước mua theo. 

Chọn dung tích bao nhiêu ml?

Bình sữa hiện tại phần lớn sẽ có dung tích 80ml- 240ml tùy hãng. Ở mỗi mốc tháng tuổi, bé sẽ có khả năng bú lượng sữa khác nhau. Vì vậy có ý kiến cho rằng: với trẻ dưới 2 tháng tuổi thì chọn bình dung tích nhỏ ( khoảng 80ml -120ml ), 2 tháng tuổi – 9 tháng thì bình cỡ 160ml~180ml.  

Thường trên bao bình ngoài bình sữa họ sẽ ghi bình sẽ này dùng cho trả từ mấy tháng tuổi. Bình sữa sẽ đi kèm với núm vú tương ứng với tháng tuổi của bé. Vì vậy khi mua bình sữa theo đúng tháng tuổi bạn sẽ không cần phải mua thêm núm vú. Trường hợp bạn chọn bình sữa có dung tích lớn hơn thì sẽ cần mua thêm núm vú tương ứng với tháng tuổi của bé. Vì ở mỗi tháng tuổi thì khả năng bú và mút của bé là khác nhau, nên núm vú cũng sẽ khác nhau.

Để thuận tiện, nhanh gọn và đỡ phiền thì các mẹ thường chọn đúng loại bình sữa có dung tích thích hợp với tháng tuổi của bé.

Nhưng Cỏ nghĩ thế này, nếu mua bình sữa theo từng thời kỳ như vậy thì, sau 2 tháng đầu, ta phải mua bình mới, đến tháng thứ 4 hay thứ 6 ta lại phải mua bình mới, khá phiền hà và tốn kém nữa. Trong khi đó, bé còn nhỏ chưa tự cầm được bình sữa thì hầu như cha mẹ cầm bình cho bé bú, vì vậy việc bình to hay nhỏ nó không quá quan trọng. 

Nên là Cỏ nghĩ từ đầu chọn bình có dung tích cỡ vừa : 160ml, thì bạn dùng được ít nhất là 5-6 tháng, loại này sẽ thường được kèm theo núm vú cho trẻ sơ sinh luôn. Sau đó đổi sang bình lớn hơn. 


Hoặc từ đầu bạn có thể chọn luôn bình 180ml hoặc 240ml cũng được. Nhưng nếu chọn bình dung tích này thì sẽ được kèm theo núm vú size M ( bình 180ml ), size L ( bình 240ml ). Vì vậy bạn cần mua thêm núm vú riêng theo size phù hợp với bé nhà mình.

Đã có nhiều bà mẹ Nhật chọn bình 240ml ngay từ đầu, họ sử dụng được lâu dài từ 0 tháng tuổi – 11 tháng tuổi, có mẹ còn giữ lại để sinh bé lần hai nữa cơ. Vì vậy, các bạn cũng có thể chọn như họ, loại thủy tinh bình 240ml hoặc nhỏ hơn chút là 180ml và sử dụng trong nhà. Và với dung tích này thì bạn nhớ mua thêm núm vú có size phù hợp với bé nhé. Chọn size núm vú bạn xem ở phần bên dưới. 

Chú ý chọn bình có miệng rộng

Sở dĩ cần chú ý miệng bình rộng hay nhỏ là có hai lý do: miệng rộng thì dễ vệ sinh, hoặc khi pha sữa công thức thì miệng rộng giúp cho việc đổ bột sữa vào bình được dễ dàng tránh rơi vãi. 

Kể cả khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng cũng sẽ có đôi khi vì lý do bất khả kháng nào đấy như là: sữa mẹ không đủ, đột ngột tắc sữa, hoặc khi đi ra ngoài, không tiện mang theo sữa mẹ chẳng hạn… thì sẽ cần dùng đến sữa công thức. 

Do đó, khi lựa chọn bình sữa nên chú ý đến miệng bình rộng hay không. 

Dựa trên các tiêu chí trên, đồng thời dựa vào bình chọn của các mẹ Nhật mà Cỏ lọc ra được 3 mẫu bình sữa được các bà mẹ Nhật yêu thích.

Khuyến nghị:

Thông thường thì ở nhà dùng loại bình thủy tinh, ra ngoài dùng bình nhựa. Đây là phương án nhiều mẹ lựa chọn vì ưu nhược điểm của chất liệu bình mà Cỏ đã nói ở trên.

Hoặc là ngay từ đầu bạn chỉ mua 01 bình sữa thủy tinh dung tích 160ml, loại này sẽ kèm theo núm vú size SS hoặc S thích hợp cho trẻ sơ sinh từ 0 tháng tuổi. Bạn chỉ cần một bình để dùng thử xem thế nào, rồi tùy nhu cầu thực tế sau đó mua thêm. Khi nhu cầu về lượng bú mỗi lần tăng lên thì bạn có thể mua thêm núm vú, hoặc bình khác tùy tình hình thực tế.

Hoặc là ngay từ đầu bạn mua bình 160ml, bình dung tích lớn hơn 240ml, tất nhiên làm bình kèm theo núm vú tương ứng với tháng tuổi. Combo vừa tiết kiệm vừa dàn trải đủ cho trẻ từ 0 tháng tuổi ~ 1 năm.

Cỏ thì chọn mua combo có 2 bình, chất liệu thủy tinh. Đồng thời mua thêm một bình nhựa dùng khi đi ra ngoài.

6 mẫu bình sữa được các mẹ Nhật yêu thích

#1 Bình thủy tinh hiệu pigeon kèm núm vú

3 mẫu bình sữa được khuyên dụng ở nhật

Bình sữa dung tích 160ml của Pigeon, làm bằng thủy tinh chịu nhiệt, kèm núm vú size SS cho trẻ từ 0 tháng tuổi. Đây là mẫu bình được các bà mẹ Nhật ưa chuộng nhất, liên tiếp nhiều năm lọt tóp bán chạy.

Giá Rakuten: 1,490


Mua trên Amazon bình Pigeon, thủy tinh chịu nhiệt, có hai dung tích để bạn lựa chọn bao gồm: dung tích 160ml kèm núm vú size SS, dung tích 240ml

#2 Bình sữa Pigeon Experience 160ml (ピジョン 母乳実感 哺乳びん 160ml). 

Làm bằng nhựa nhẹ PPSU, là mẫu bình nhựa duy nhất mà Cỏ đề xuất trong danh sách này. Chất liệu nhựa PPSU là chất liệu nhựa cao cấp, được dùng trong các thiết bị y tế. Đây là loại bình mà các viện sản thường hay sử dụng. Nếu các mom chỉ muốn dùng bình nhựa thì Cỏ osusume bình này nhé. Có size 160ml và bình 240ml để bạn lựa chọn. 

bình sữa thủy tinh pigeon ở nhật

#3 Bình nhựa slim không bị lăn và dễ cầm, dung tích 200ml

#4 Bình thủy tinh có hình các con vật rất dễ thương

Dung tích 160ml, 240ml, làm bằng thủy tinh chịu nhiệt, loại này là thủy tinh nhưng có trọng lượng nhẹ hơn thủy tinh thông thường.


Giá bình 160ml : 2,050  Mua trên Rakuten 

Giá bình 240ml : 2,646 ( freeship )  Mua trên Rakuten 

#5 Bình sữa thủy tinh chịu nhiệt loại mỏng スリムタイプ 哺乳びん

Bình này thì hình dáng thon dài, miệng bình hơi hẹp hơn một chút so với mẫu bình số #1.


 #6 Combo hai bình thủy tinh Pigeon, 160ml và 240ml

Combo hai bình thủy tinh chịu nhiệt loại thon dài, gồm 1 bình 200ml núm vú size S ( bé từ 0 tháng tuổi ), 1 bình 240ml núm vú size M ( bé từ 4 tháng tuổi ).

Cỏ mua combo này cùng với một bình nhựa PPSU ở mục #2

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Cỏ một ly cà phê nhé! click vào hình bên cạnh 👉👉

Các loại núm vú ở Nhật – kích thước núm vú theo tháng tuổi.

Ở mỗi độ tháng tuổi khác nhau thì khả năng bú- mút- nuốt cũng khác nhau. Do đó mà núm vú cũng sẽ khác nhau. Nó khác nhau về độ lớn của núm vú, khác nhau về tốc độ chảy sữa của núm vú. Sau đây là phân loại kích cỡ núm vú theo tháng tuổi của hãng Pigeon.

Kích thướcTháng tuổiTốc độ bú
Size SStừ 0 tháng trở điKhoảng 10 phút cho 50ml
Size Stừ 1 tháng trở điKhoảng 10 phút cho 100ml
Size Mtừ 3 tháng trở điKhoảng 10 phút cho 150ml
Size Ltừ 6 tháng trở điKhoảng 10 phút cho 200ml
Size LLtừ 9 tháng trở điKhoảng 5 phút cho 200ml
Size 3Ltừ 15 tháng trở đidùng núm này khi bé ăn dặm toàn.

Bên ngoài bao bì núm vú sẽ có ghi các dòng chữ nhứ là 0ヵ月 ( 0 tháng tuổi ), 1ヵ月 ( 1 tháng tuổi )… thì bạn dựa vào đó để chọn size cho con. Trường hợp như bé có khả năng bú vượt trội so với thông thường thì cần mua núm vú size lớn hơn để bé bú được thoải mái hơn.

Cách vệ sinh bình sữa ở Nhật 

Chúng ta hãy thật cẩn thận và kỹ lưỡng ở bước này, bởi vì trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn yếu do đó việc giữ gìn vệ sinh cho bé là rất quan trọng. Đặc biệt là sữa có giàu dinh dưỡng nên vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở, do đó cần vệ sinh bình sữa thật kỹ để không có mùi gây cho bé khó chịu, cũng để đảm bảo không còn sữa bị đọng lại.

Ở Nhật, mọi người sẽ vệ sinh bình sữa bằng các bước sau đây:

  • Bước 1/ Rửa bình sữa để làm sạch bình ngay sau khi bé sử dụng
  • Bước 2/ Khử trùng bình sữa.
  • Bước 3/ Sấy khô

Bước 1: cách rửa bình sữa và các dụng cụ chuyên dụng

Đầu tiên: Rửa sạch ngay sau khi bé sử dụng.

Tháo rời các bộ phận sau đó rửa dưới vòi nước chảy, có thể rửa bằng nước lạnh hoặc nước ấm.

Nếu mà bận việc gì đấy chưa rửa ngay được thì tháo rời các bộ phận và ngâm vào nước ấm. Sau khi rảnh tay thì rửa luôn nhé.

Sau đó: Dùng dụng cụ chuyên dụng và rửa bằng nước rửa chén

Khuyến nghị: hãy dùng các dụng cụ chuyên dụng để rửa và vệ sinh bình sữa, vì các dụng cụ này giúp rửa sạch từng ngóc ngách nhỏ trong bình và núm vú. Đồng thời nó giúp làm sạch nhưng không gây trầy xước bình hay làm hỏng núm vú silicon.

Cỏ dùng combo như hình ở trên gồm: chổi cọ rửa bình, chổi cọ rửa núm vú, giá đỡ bình, nắp, núm vú. Dùng xong thì có thể gấp gọn lại, rất tiện lợi.

Cuối cùng là: Rửa sạch lại bằng nước ấm, rửa dưới vòi nước chảy là tốt nhất.

Bước 2: các cách tiệt trùng bình sữa ở Nhật

Có 3 cách phổ biến để tiệt trùng bình sữa: đun sôi, khử trùng bằng hóa chất, khử trùng bằng lò vi sóng. Cụ thể ưu điểm, nhược điểm các cách như sau

Tiệt trùng bình sữa bằng cách trụng sôi

Sau khi rửa sạch như ở bước 1, thì cho vào nồi nước sôi, trụng trong vòng 3-5 phút ( bình nhựa ), 7 phút đối với bình thủy tinh. Lưu ý : đổ nhiều nước để các bộ phận hoàn toàn ngập trong nước. Đồng thời đừng để nó chạm vào đáy nồi.

Ưu điểm: chi phí thấp. Nhược điểm là: dù chỉ là 3~7 phút, nhưng khá tốn thời gian. Chưa kể thời gian rửa bình ở bước 1 và thời gian sấy khô nữa, tổng chắc cũng cỡ 15 phút hơn cho toàn bộ quy trình.

Với cách này thì chúng ta không tốn tiền mua dung dịch tiệt trùng, cũng không tốn tiền mua máy tiệt trùng hay hộp tiệt trùng bình sữa, nhưng lại tốt thời gian.

Cỏ thì không dùng cách này, vì mình khá lười ^_^.

Tiệt trùng bình sữa bằng hóa chất chuyên dụng

Ở Nhật có loại dung dịch dùng để tiệt trùng bình sữa, mình pha dung dịch này với nước và ngâm các dụng cụ gồm bình, núm vú, ti giả… vào đây. Ngâm một khoảng thời gian nhất định dựa theo hướng dẫn trên bao bì, sau đó thì vớt ra.

Cỏ thấy các viện sản hay sử dụng loại Milton này, nên Cỏ mua luôn loại này về sử dụng. Dung dịch này sạch mà tiện lắm, ngâm thôi không cần xả lại.


Không chỉ ngâm tiệt trùng bình sữa, núm vú, ti giả, mà khăn gạc ( dùng hay lau miệng cho bé á ) Cỏ cũng ngâm trong này để tiệt trùng luôn. Ngâm trong khoảng 12~15 phút thì vớt ra.

Tiệt trùng bình sữa bằng lò vi sóng

Với cách này mình cần hộp đựng bình sữa để tiệt trùng trong lò vi sóng.

Cho bình và các bộ phận vào một dụng cụ đặc biệt, thêm ít nước sau đó bỏ vào lò vi sóng, nhấn nút là xong. Khoảng 5 phút là tiệt trùng sạch sẽ. Sẽ nhanh chóng hơn so với việc đun sôi và cách tiệt trùng bằng dung dịch.

Cỏ đặc biệt osusume các mom hãy dùng cách tiệt trùng bằng lò vi sóng này, vì nó tiện lợi, nhanh gọn, nhàn thân. Hoặc bạn xịn hơn nữa là mua máy tiệt trùng bình sữa mà Cỏ giới thiệu ở phần sau.

Có 4 loại hộp đựng bình sữa dùng để tiệt trùng trong lò vi sóng được ưa chuộng

#1 Hộp đựng và tiệt trùng bình sữa bằng lò vi sóng hiệu Combini.


Kích thước: rộng 26,5cm trở lên x sâu 26,5cm trở lên x cao 13,0cm trở lên

Giá: 3,380 yên ( đã gồm phí ship )

#2 Hộp đựng và tiệt trùng bình sữa bằng lò vi sóng hiệu Bean Stalk

Hộp đựng kèm dụng cụ giữ núm vú và kẹp gắp bình ra. Giá 2,012 ( đã gồm thuế + phí ship ).


#3 Hộp đựng và tiệt trùng bình sữa bằng lò vi sóng hiệu Pigeon

Bình đựng thiết kế trong suốt, nhìn khá là đẹp. Có kèm kẹp gắp, mỗi lần tiệt trùng được 4 bình. Giá 2,580yen ( gồm thuế + ship )


#4 Hộp đựng và tiệt trùng bình sữa bằng lò vi sóng 3way

Loại này thì để được 03 bình thôi. Giá: 2,190 yên

#5 Túi tiết trùng bình sữa Medela dùng khi đi ra ngoài hoặc đi du lịch

Khi bạn đi ra ngoài chơi, hay đi du lịch, việc mang theo một cái máy tiệt trùng, hay hộp tiệt trùng bằng lò vi sóng thì rất chi là cồng kềnh, mang theo Túi tiệt trùng lò vi sóng Medela sẽ thuận tiện và gọn gàng hơn rất nhiều.

Sản phẩm gồm 5 túi, mỗi túi dùng được tới 20 lần.

Cách dùng: Dễ dàng và nhanh hơn nước sôi, chỉ mất khoảng 3 phút là xong. Đặt bình và các bộ phận vào túi, thêm 60ml nước, bỏ vào lò vi sóng nhấn nút 3 phút là xong.


Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Cỏ một ly cà phê nhé! click vào hình bên cạnh 👉👉

Cách tiệt trùng dành cho người lười

Đó chính là sử dụng máy tiệt trùng bình sữa. Không những tiệt trùng mà nó còn tự động sấy khô, có một số máy còn có chức năng hâm sữa nữa đó. Nghe thôi đã thấy nó tiện lợi rồi.

Ít thao tác, chỉ cần làm sạch bình, sau đó cho các bộ phận vào máy, rồi nhấn nút. Máy sẽ tự động tiệt trùng và sấy khô. Tổng thời gian chỉ mất 15-20 phút là xong mà chúng ta không cần thao tác gì nhiều như các cách trên.

Tuy nhiên, tiện lợi đi kèm với chi phí. Máy tiệt trùng có giá dao động từ 5000yen ~20,000yen

Máy Shinmax 9 chức năngNổi bật: Tiệt trùng, hâm nóng sữa, bịch sữa, hâm nóng thức ăn, sấy khô bình. Nhưng chỉ chứa được 2 bình sữa mà thôi.Amazon, Rakuten
Máy khử trùng bình sữa của FeekaTiệt trùng, hâm nóng, sấy khô, chứa được 4 bình, nấu nước nóng pha sữa. 11,999yenAmazon
Máy khử trùng hiệu PigeonTiệt trùng, sấy khô bình Amazon

Tiệt trùng bình sữa đến khi con mấy tuổi?

Trẻ sơ sinh có khả năng miễn dịch từ kháng thể của mẹ, gọi là IgG. Nhưng kháng thể này sẽ giảm dần từng ngày và mất hoàn toàn khi đến 6 tháng tuổi. Nhưng bạn đừng lo lắng vì kể từ 3 tháng tuổi trở đi, cơ thể bé bắt đầu phát triển khả năng tự miễn dịch.

Do đó mà chúng ta nên chú ý vệ sinh và tiệt trùng thật kỹ bình sữa, núm vú, ti giả… những thứ tiếp xúc với miệng bé , tiệt trùng đến khi bé được khoảng 3 ~ 6 tháng tuổi. Từ 6 tháng thì bé bắt đầu ăn dặm và cho nhiều đồ vật vào miệng đồng thời khả năng tự miễn dịch của trẻ cũng tốt hơn nên là việc tiệt trùng bình sữa các thứ cũng ít cần thiết hơn.

Mình ngưng không tiệc trùng bình sữa nữa từ tháng thứ 6 cũng không sao cả, nhưng vẫn phải làm bước 1 ( rửa bình sữa ), và bước 3 là sấy / lau khô bình sữa để ngăn chặn sự phát triển của vi trùng nhé.

Bước 3: Cách sấy khô bình sữa

Bạn để lên giá để ráo nước, sau đó lau khô, hoặc nếu nhà bạn có máy sấy chén thì cho vào máy sấy. Nếu có máy rửa chén thì cho vào máy rửa chén để sấy là tiện nhất.

Kết lại những điểm cần chú ý

  1. Bình sữa cho bé: chọn loại bình thủy tinh hay nhựa đều được. Thường mọi người chọn bình thủy tinh dùng ở nhà, bình nhựa khi đi ra ngoài. Nếu chọn bình nhựa thì chọn loại bình làm bằng chất liệu PPSU ( đây là chất liệu dùng trong thiết bị y tế ).
  2. Cỏ Osusume chọn mẫu bình số #1 ( đối với bình thủy tinh ), mẫu bình số #2 ( đối với bình nhựa ), hoặc combo tiết kiệm tiền: mẫu bình số #6
  3. Vệ sinh và cách tiệt trùng bình sữa: tùy theo mỗi người chọn cách nào cũng được. Nhiều mẹ sẵn sàng đầu tư và không muốn tốn nhiều thời gian thì chọn máy tiệt trùng. Mẹ nào muốn tiết kiệm hơn thì dùng cách thủ công trải qua ba bước ( làm sạch, rửa bình, sau đó là tiệt trùng và sấy hoặc lau khô bình ).
  4. Tiệt trùng bình sữa đến khi nào? Đáp: rất cần thiết và tối quan trọng trong khoảng thời gian từ lúc sinh đến 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng thì có thể bỏ qua bước tiệt trùng nhưng vẫn phải làm bước 1: rửa bình và bước 3: lau / sấy khô bình.
  5. Có cần dùng máy tiệt trùng bình sữa hay không? Câu trả lời là nếu bạn muốn thuận tiện và không muốn tốn nhiều thời gian, sẵn sàng chi tiền thì mua máy tiệt trùng cho phẻ và nhàn.
  6. Muốn tiệt trùng sữa ít tốn kém nhưng cũng không muốn tốn nhiều thời gian thì hãy hộp đựng đồ tiệt trùng trong lò vi sóng, khi đi du lịch thì dùng túi tiệt trùng lò vi sóng hiệu Medela

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Cỏ một ly cà phê nhé! click vào hình bên cạnh 👉👉

DMCA.com Protection Status