Có một sự thật khi học tiếng Nhật đó là: học nhiều từ mới nhưng quên sạch sau một đêm. Đây là tình trạng ai mới học cũng gặp phải, sau đây mình chia sẻ 5 cách học từ vựng tiếng Nhật nhớ lâu một cách hiệu quả mà không nhàm chán.
Cỏ đã áp dụng thành công khi học tiếng anh giao tiếp và mình cũng đang áp dụng nó khi học tiếng Nhật. Với người mới bắt đầu học tiếng Nhật thì càng nên áp dụng ngay từ đầu, 5 cách này không chỉ giúp bạn nhớ từ lâu mà còn giúp bạn “phản xạ” tốt khi Kaiwa nữa.
Trước tiên,có một sự thật mà bạn nên biết
– – Quên 95% thậm chí 99% -100% những gì vừa học là điều hết sức bình thường ai cũng gặp phải
Khi học bạn sẽ gặp phải các tình trạng sau:
- Mới học lúc sáng, chiều đã quên sạch
- Từ này hình như đã học rồi, nhớ nhớ quên quên
- Đã học thuộc rồi mà đến khi nói thì lại nhớ nhớ quên quên
- …………….
Không chỉ trong việc học tiếng Nhật mà nó còn xảy đến với mọi vấn đề trong cuộc sống ví dụ như:
- 1 tháng trời học ôn thị cật lực , thi xong thì bạn quên sạch, trả chữ nghĩa lại cho thầy cô hết trơn.
- Bạn đặt mật khẩu cho email, vài lần đầu đăng nhập bạn còn nhớ mật khẩu. Nhưng cách 1 – 2 tuần không đăng nhập bạn quên bén mật khẩu là gì
- Trẻ con 5 tuổi, lúc tụi nhỏ học chữ cái, sáng ở trường cô giáo dạy, nhưng tối về ba mẹ dò bài bé không nhớ gì ráo mặc dù tiếng Việt là tiếng Mẹ đẻ mà cũng quên mất.
Khi tình trạng trên xảy đến với bạn thì cũng đừng vội chửi bản thân là “sao mình ngu”, “mình học kém”…… nhé!
Cỏ tin chắc không chỉ bạn đang mắc phải các hiện tượng ở trên mà còn có nhiều người khác cũng thế, phải nói là đại đa số mọi người đều có hiện tượng nhớ nhớ quên quên những thứ mới học được.
Lý do chúng ta hay quên hết 99%-100% từ vựng mới học
Việc quên đến 95% thậm chí 99% những gì vừa học đã được “Tâm lý học thực nghiệm” chứng minh bởi nhà tâm lý học người Đức tên là Hermann Ebbinghaus
Chỉ có thiên tài mới nhớ nhiều hơn 5% khi học cái gì đó mới và nhớ thật lâu mà thôi, còn nếu bạn là một người bình thường thì việc Quên những thứ vừa mới tiếp xúc là một hiện tượng rất là bình thường.
– – Chỉ có thiên tài mới nhớ nhiều hơn 5% khi học cái gì đó mới và nhớ thật lâu mà thôi
Theo Forgetting Curve của ông Hermann Ebbinghaus thì “Việc lặp đi lặp lại” chính là chìa khóa giúp chúng ta nhớ lâu. Đây cũng chính là nền tảng cho 5 cách học từ vựng nhớ lâu của mình.
_ Repetition ( sự lặp lại ) chính là nền tảng của 5 cách học từ vựng nhớ lâu của mình.
Vithao.com
Lặp đi lặp lại để nhớ từ thì đã nghe nói nhiều rồi, nhưng 5 cách sau giúp bạn “lặp đi lặp lại” một cách hiệu quả mà không nhàm chán.
– Cỏ áp dụng cùng lúc 5 cách sau đây để ghi nhớ. Vì thế, mình nghĩ bạn hãy áp dụng cùng lúc cả 5 cách để tăng hiệu quả nhé.
#1 Học theo cách của người DO Thái
Cách của người Do Thái là liên kết điều vừa học vào cái gì đó thân thuộc với bản thân và kèm theo cảm xúc đến từ các giác quan.
Hồi xưa khi Cỏ học tiếng Anh, mình hay có cái kiểu đang nói tiếng Việt mà chen vài từ tiếng Anh vào. Tỷ dụ như là: học tiếng anh thì phải chú trọng repetition vì nó là chìa khóa giỏi hơn, hoặc một ví dụ khác: em hay payment by credit card chứ ít khi trả bằng cash lắm.
Sở dĩ mình hay nói lẫn lộn Anh – Việt là bởi vì khi xưa mình học mình áp dụng cách của người Do Thái vào việc học tiếng Anh, lâu dần nó thành thói quen. Đến khi sang Nhật sống, thói quen đó lại càng khó bỏ hơn vì mình hay giao tiếp với anh nhà bằng tiếng Anh nên nhiều khi nói chuyện với bạn bè hoặc khi quay video mình lại bất giác nói Anh – Việt lẫn lộn.
Đặc biệt, tiếng Nhật có một số từ phát âm gần giống từ Hán – Việt sẽ rất dễ nhớ nếu bạn liên tưởng từ tiếng Nhật với từ hán việt: ví dụ như: 大 đọc là đai thì nó như là “đại” trong từ đại học, đại ( âm hán việt nghĩa là bự, lớn ). 大学生 (dai gaku sei), gaku sei thì sinh viên, học sinh –> nghĩa là sinh viên đại học.
CÁCH THỰC HÀNH
Cụ thể như sau:
Bạn học chủ đề là Chào Hỏi và cần học từ mới là: かお ( mặt ), ベトナム ( Việt nam )、飲む ( uống )
Câu chuyện 1: Sáng ngủ dậy: ” Mình rửa かお thì thấy かお nổi mụn gớm quá, xấu khủng khiếp, chắc tại ở ベトナム ( VN ) bụi bẩn và nóng quá đây mà, rửa かお xong phải đi 飲む nước dừa giải nhiệt cho bớt mụn ”
Câu chuyện 2: Hoặc câu chuyện khác, bạn tưởng tượng trong đầu mình một đoạn phim như sau: Cỏ có anh người yêu người Nhật, lần đầu ảnh đến ベトナム ( VN ) , lúc ăn cơm có chén nước mắm kế bên, lão ta tưởng đó là soup miso nên ổng bê cái chén lên 飲む ( uống ) ừng ực, há há ngay sau đó cái かお (cái mặt ) của lão nhăn như khỉ đột. Mình cười hả hê và thầm nghĩ: cho dừa lắm, nước mắm mặn xỉu mà uống ừng ực.
Câu chuyện 3: Hoặc gẫn gũi hơn nữa: lúc bạn thấy mẹ uống nước thì hãy nhầm trong đầu là 飲む ( uống ) , khi bạn muốn đi uống cafe thì bạn nói : Giờ tao đi 飲む ( uống ) cafe đây, lát hẹn mày ở quán nhé.
ĐIỀU CẦN NHỚ:
- Mỗi người tự nghĩ ra câu chuyện gắn liền với bản thân mình thì sẽ hiệu quả hơn. Và hãy thường lặp lại câu chuyện đó trong các ngày tiếp theo nhé
- Hãy nghe audio từ vựng đó hoặc mẫu câu đó 5-10 lần nghe cho đến khi không bật audio nhưng trong đầu bạn vẫn văng vảng âm thanh của từ đó hoặc câu đó. Sau đó thì áp dụng câu cách học của người Do Thái nhé.
>> Tham khảo thêm: Típ nhỏ để luyện nghe hiểu tốt hơn
Trường hợp của Cỏ thì sẽ áp dụng câu chuyện số 2, vì anh người yêu của mình là người Nhật, khi kể câu chuyện đó trong đầu mình hiện rõ cảnh tưởng và cảm xúc gương mặt cũng như cảm giác hả hê buồn cười của mình khi nhìn thấy gương mặt của ảnh sau khi uống nước mắm sẽ như thế nào.
Nó mang lại cảm xúc chân thật và gần gũi nhất nên sẽ giúp mình dễ nhớ cốt truyện hơn. Đồng thời khi giao tiếp thì tự dưng não bộ sẽ trích xuất ra từ đó một cách tự nhiên và nhanh chóng mà không cần phải tốn thời gian suy nghĩ dịch thầm trong đầu nữa.
Có một số từ mình sẽ áp vào việc sinh hoạt hàng ngày của bản thân ( cách của câu chuyện 3 ). Với những bạn nào thích hài hước thì hãy tạo cho mình câu chuyện hài hước sẽ tự động nhớ lâu.
#2 Học thật sâu 1 chủ đề
Cũng là dựa trên nền tảng “Repetition – lặp lại” , bạn đừng học dàn trải nhiều chủ đề trong một thời gian ngắn, mà hãy học cùng một chủ đề trong nhiều ngày.
Ví dụ: bạn học về chủ đề Chào Hỏi
Thì trong giáo trình bạn chỉ có 1 đoạn hội thoại 3 phút về chào hỏi và một số bài tập nhỏ. Bạn hãy học hết và làm hết các bài tập này. Sau đó bạn tìm các nguồn tài liệu khác bên cạnh giáo trình chính về chủ đề Chào Hỏi và bạn học theo, cố gắng áp dụng những từ bạn đã học ở tài liệu chính đem áp dụng vào các bài học cùng chủ đề nhé.
1 chủ đề học trong bao lâu?
1 topic thường Cỏ sẽ học khoảng 4-5 bài. Trong giáo trình chính sẽ học 1 tuần 1 topic hoặc 10 ngày nếu như bài học đó có nhiều bài tập và phụ thuộc số lượng từ mình nhớ được. Còn các nguồn tài liệu học tập khác mình sẽ học song song trong lúc học giáo trình chính.
Các nguồn tại liệu mà mình học bao gồm:
- Tài liệu chính: giáo trình げんき (Genki), đây là tài liệu mà mình học xuyên suốt hết bài này qua bài khác.
- Tài liệu bổ sung số 1: trước khi học Genki, mình học khoảng 3 tháng trên Japanesepod101 – đây nguồn tài liệu audio – video phong phú về mọi chủ đề đó là Japanesepod101. Sau khi học qua giáo trình Genki, mình vẫn dùng Japanesepod101 để học thêm nhiều bài có cùng chủ đề với bài học trong sách Genki.
- Tài liệu bổ sung số 2: Mỗi ngày mình đều học trên Lingodeer ít nhất là 10XP một ngày. Ở Lingodeer mình không thể chủ động tìm kiếm topic cùng chủ đề với Genki, nhưng nó cũng sắp xếp bài học theo lội trình từ Beginner – advance như Genki nên trong quá trình học Lingodeer sẽ có nhiều từ trong Genki xuất hiện trong bài học của Lingodeer.
Lý do tại sao Cỏ chọn học Genki mà không phải là giáo trình quốc dân Mina, vì sao lại bắt đầu học với japanesepod101, vì sao lại chọn app Lingodeer?
Tất cả đều có lý do cả, để tránh bị mất tập trung cho chủ đề “5 cách học từ vựng nhớ lâu” nhé. Cỏ sẽ chia sẻ lý do cho 3 câu hỏi trên ở bài viết khác nha!.
#3 Viết nhật ký mỗi ngày
Đây là nhật ký mình viết khi bắt đầu học tiếng Nhật,
View post on imgur.com
Bạn thấy đấy, những ngày đầu mình chỉ viết được 1 từ, 1 câu tiếng Nhật duy nhất, thậm chí còn viết sai nữa là đằng khác. Và nhiều lúc viết chỉ có 1 câu thôi nhưng mình tốn 10 phút -20 phút để cố gắn “trích xuất” trong bộ nhớ từ đó, không nhớ ra là mình lật lại sách vở để xem rồi viết lên quyển nhật ký.
Dần dần, mình viết được khá hơn, viết nhiều hơn 1 câu, tiến bộ hơn mình viết được cả một đoạn gồm 4-5 câu rời rạc và vẫn phải nhờ các câu tiếng Việt làm kết nối giữa các câu sao cho liền mạch. Ngày qua ngày mình viết được cả một đoạn, một trang toàn tiếng Nhật.
Mặc dù viết còn nhiều lỗi sai: sai từ vựng, sai kanji, sai ngữ pháp… MẶC KỆ mình vẫn tiếp tục viết vì CHỦ ĐÍCH là mình muốn tạo cho bộ não cơ hội để nó repetition ( lặp lại ) – ghi nhớ – trích xuất ra từ vựng và hoàn cảnh, ngữ cảnh sử dụng từ đó.
Sự thật bất ngờ khi viết Nhật ký: Bạn hãy thử viết nhật ký mỗi ngày đi. Bạn sẽ nhận ra một sự thật. Có những từ mà bạn tin chắc mình đã thuộc làu rồi, nhưng nhiều khi đụng bút viết thì bất giác bạn không biết viết Kanji thế nào hoặc viết bằng hiragana thì bạn lại nhớ nhớ quên quên không chắc mình có viết đúng không.
Viết nhật ký nó giúp bạn làm bài test thụ động mỗi ngày, tạo thêm 1 cơ hội để bộ não : trích xuất- ghi nhớ- lặp lại-nhớ lâu.
Viết cái gì trong Nhật Ký?
- Ban đầu, khi từ vựng còn non kém và hạn hẹp, mình chỉ viết được ngày tháng và từ đơn.
- Sau đó mình viết những việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, từ những việc đơn giản như: thức dậy lúc mấy giờ, ngủ mấy giờ, mệt, nắng nóng, uống trà, uống cafe, ăn cơm, ăn cá,…..
- Level cao hơn chút: khi đã có nhiều mẫu câu hơn, nhiều từ hơn,mình bắt đầu viết thành 1 câu chuyện về chủ đề mà mình đã học trong ngày hoặc đã học ở những ngày trước đó.
- Hay đơn giản là bạn viết về một ý tưởng, một dự định mà mình muốn làm vào nhật ký.
#4 Ghi giấy note cho từ mới
Đọc đến đây bạn sẽ nghĩ: “Ôi giời, tưởng cách gì, cách này xưa như quả đất, tôi cũng làm nhưng có hiệu quả gì đâu?”.
Bạn nói đúng, không sai.
Nhưng cách của Cỏ hơi khác với mọi người, Cỏ đã áp dụng nó trong việc học tiếng Anh cực kỳ hiệu quả và khi học tiếng Nhật theo cách này cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Vậy cách Note từ mới của mình khác với mọi người như thế nào?
1 / Cách ghi:
Level mới bắt đầu: lúc mới bắt đầu học, mình chỉ ghi 1 từ kèm hình vẽ ( nếu mình có thể vẽ để mô tả nghĩa của từ đó ). Kết hợp với cách số 1 ở trên, mỗi lần nhìn vào từ đó mình sẽ có cả một câu chuyện, ngữ cảnh ở trong đầu. Nhờ đó não bộ tự động ghi nhận ý nghĩa, hoàn cảnh sử dụng từ đó một cách thụ động và tự nhiên nhất.
2/ Vị trí dán note là điểm mấu chốt mang lại hiệu quả:
Mọi người thường hay dán note tại góc học tập của bản thân. Đây chính là nhược điểm cản trợ tính hiệu quả của việc ghi giấy note từ mới.
Bởi vì khi ngồi vào bàn học bạn có thường hay nhìn 1 lượt các giấy note đó hay không? Hãy thành thật đi
Câu trả lời: chắc hẳn là ít khi nhìn, hiếm khi nhìn. Đặc biệt những ai bị cận, thì càng lười nhìn note.
Cỏ dán ở vị trí khác hoàn toàn.
Như Cỏ nói ở trên Repetition – sự lặp lại chính là cốt lõi để học nhớ lâu, vì vậy việc dán giấy note ở vị trí nào để tạo điều kiện cho việc lặp lại được diễn ra thường xuyên mới là điểm mấu chốt mang lại hiệu quả.
Cỏ dán ở nơi có ngữ cảnh liên quan đến từ vựng đó. Cụ thể như sau:
Từ cửa sổ là 窓 (まど), mình ghi note thật to ( tại mình bị cận thị, ghi nhỏ quá thì nhìn không thấy ) và dán nó ngay cửa sổ ở cái vị trí mà khi ngồi học mình hay nhìn ra ngoài. Khi đó cứ mỗi khi nhìn ra cửa sổ là cái từ 窓 (まど) quỷ quái đó lại đập vào mắt mình. Khi thấy giấy note mình sẽ dành 10s -1phut để chú ý nhìn đó, phát âm ra tiếng hoặc lười thì đọc nhẩm trong đầu.
Hoặc những từ vựng liên quan đến nấu nướng như là: ご飯 (ごはん – cơm) 、作るつくり (nấu, made, produce )、料理する(りょうりする – cooking, nấu nướng, nấu ăn ) 、甘い (あまい- ngọt)、塩辛い (しおからい – mặn)。。。。thì mình dán ngay góc bếp nơi dễ nhìn thấy mỗi khi mình nấu ăn.
Hoặc từ Toilet ( トイレ ), mình dán ngay cửa phòng vệ sinh. Mỗi lần đi vào là đập vào mắt, ngồi *** thì cũng bị từ đó đập vào mặt.
Trong nhà của Cỏ, mình dán giấy note đầy nhà thậm chí là trong ví tiền mình cũng có dán giấy note ghi từ vựng liên quan đến tiền và ví tiền.
#5 Học và hệ thống theo mindmap
Bạn đã nghe về Mindmap chưa?
Mindmap rất hiệu quả trong việc học và ghi chép, nó áp dụng cho mọi môn học trong trường, học kinh doanh, hoặc marketing,….
Khi học đại học, mình áp dụng mindmap trong việc học nó mang lại hiệu quả gấp 10 lần, giúp mình nhớ bài rất nhanh và có hệ thống.
Khi học tiếng Anh, nó giúp Cỏ hệ thống từ vựng theo chủ đề rất hiệu quả và mình cũng đang áp dụng trong việc học tiếng Nhật
Mình có một quyển tập riêng, trong đó thì sẽ có một nhóm từ vựng cùng một chủ đề. Ở chính giữa sẽ ghi tên chủ đề ( bằng tiếng Nhật, hoặc tiếng Việt cũng được tùy theo trình độ tiếng Nhật của bạn ), rẽ ra các nhánh là các từ vựng liên quan.
Thông thường thì, mỗi khi học bài mới có từ nào nằm trong các chủ đề mình đã vẽ mindmap trước đó rồi thì mình sẽ bổ sung từ mới vào. Cứ mỗi khi viết từ mới mình lại nhìn lại một lượt mindmap của chủ đề đó để ôn từng từ.
Mới đầu mình chỉ ghi được chữ Hiragana và Katakana trên mindmap, sau một thời gian mình tiến bộ hơn và bắt đầu học chữ Kanji thì mình ghi Kanji kèm theo câu ví dụ, đồng thời nếu có vẽ được hình nào mình họa cho nghĩa của từ đó thì mình sẽ vẽ vào.
GÓC NHỜ VẢ: Cỏ đang muốn tìm một phần mềm tạo mindmap mà có gắn hình ảnh kèm link audio của từ đó vào mindmap. Như vậy sẽ tăng cao hiệu quả học tập hơn, nhưng hiện tại Cỏ chưa tìm được phần mềm mindmap nào ưng ý. Nếu các bạn có biết cái app mindmap nào phù hợp thì comment chia sẻ cho mình biết với nhé
# Áp dụng cùng lúc 5 cách như thế nào cho hiệu quả?
Bạn đã nắm rõ học như thế nào cho mỗi cách rồi và bây giờ có lẽ bạn đang thắc mắc: khi học thì áp dụng lần lượt 5 cách như thế nào?
Sau đây là tiến trình mình học hàng ngày
Trước khi học bài mới, mình dành ra khoảng 25 phút để ôn từ vựng, mẫu câu hôm qua học bằng cách xem mindmap, mỗi khi đọc mỗi từ trong mindmap thì mình lại nhớ đến các câu chuyện trong cách #1.
Sau đó đọc lại nhật ký tối qua đã viết, đọc thành tiếng chứ không đọc nhẩm trong đầu nhé mọi người. Quên từ nào thì bắt đầu “chép phạt” từ đó ra giấy.
Học bài trong Genki và làm các bài tập. Sách Genki rất là hay vì ứng với mỗi một mẫu câu có rất nhiều bài tập, và các bài tập này đều cần dùng đến những từ vựng của bài trước đó và từ vựng mới trong bài này. Thường 1 Lesson trong Genki mình học tới 1 tuần hoặc 10 ngày mới xong.
Học trên Genki rồi thì khi giải lao, khi đi siệu thị hoặc khi nấu ăn Cỏ sẽ mở bài có cùng chủ đề trên Japanesepod101 để nghe thụ động, khi đang làm việc gì đó, chốc chốc lại chú tâm nghe câu đó, từ đó trên audio nói gì. Nó không chỉ giúp nhớ từ mà còn luyện nghe-hiểu nữa
Khi làm bất cứ việc gì đó, mình sẽ “chủ tâm” nhìn vào giấy note và nhẩm từ đó trong đầu hoặc nói ra thành tiếng.
Bên cạnh đó, mình sẽ tận dụng từ hoàn cảnh để xài từ vựng đó. Mỗi khi nói chuyện với bạn người Nhật, hoặc với anh xã thì mình sẽ dùng từ vựng đã học hoặc từ mới học chêm vào trong câu tiếng anh. Ví dụ như: mới học từ 昼ご飯, khi nhắn tin với chồng mình, Cỏ sẽ gõ: Have you had 昼ご飯 yet ?. Hoạc khi nhắn tin với bạn người Nhật, Cỏ sẽ nhắn: What do you eat for 昼ご飯 ?, 鳥?
Tối trước khi đi ngủ, Cỏ sẽ viết Nhật ký, cố gắng viết cái gì đó mà sử dụng từ mới học hôm nay, từ đã học mấy hôm trước.
Việt nhật ký xong thì Cỏ sẽ học trên Lingodeer ( có thể sẽ học trên Lingodeer trước rồi mới viết nhật ký sau ). Những ngày đầu Cỏ chỉ đặt mục tiêu là đạt 10XP mỗi lần học. Sau khi quen dần cường độ và thành thói quen thì Cỏ nâng lên thành 20XP mỗi ngày.
Ngày ngày đều lặp lại như vậy. Cuối tuần Cỏ không học bài mới, mà chỉ dành một ít thời gian xem lại mindmap. Đồng thời vẫn duy trì thói quen: viết nhật ký và học trên lingodeer mỗi ngày.
TỔNG KẾT
Cỏ đã chia sẻ với các bạn cách của mình đã áp dụng hiệu quả khi học tiếng Anh và giờ mình cũng đang áp dụng nó cho việc học tiếng Nhật, nó cũng đang giúp hình cải thiện mỗi ngày tốt hơn 1% trên con đường chinh phục tiếng Nhật.
Với mỗi người có thể sẽ có những cách học khác nhau, có thể cách học của bạn sẽ hiệu quả hơn của mình, hoặc có thể bạn chỉ cần áp dụng 1 cách cũng đã hiệu quả lắm rồi….. Điều quan trọng nhất là sự lặp lại – Repetition và kiên trì mỗi ngày.
Hãy chọn cho mình cách nào mà phù hợp nhất với tính cách của bạn dựa trên nền tảng là ” sự lặp lại – Repetition “. Chỉ cần ngày ngày bạn tiến bộ hơn 1% thôi thì bạn sẽ có tiến bộ đột phát gấp 37.7 lần sau 365 ngày và sau 4 năm, tiếng Nhật của bạn đã ở một cái level cao vút rồi đó ^_^, Fighting!
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Cỏ một ly cà phê nhé! click vào hình bên cạnh 👉👉
Nguồn tài liệu
- Students forget 95% of what they learn in high school after 3 days. Here’s how to help them study
- Forgetting Curve của Hermann Ebbinghaus
- Sách mindmap, sách cách học hiệu quả của Tony Buzan
- Tài liệu hướng dẫn phương pháp học hiệu quả của Japanepod101